Bún riêu cua là món ăn được chế biến từ những nguyên liệu cực kỳ đơn giản mà tất cả người dân từ Bắc đến Nam đều yêu thích. Nếu các chị em đang tìm kiếm một công thức nấu bún riêu cua chuẩn vị thì hãy cùng các đầu bếp của Yêu Bếp Nhà bắt tay vào làm luôn nhé.
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần thiết để nấu bún riêu cua truyền thống miền Bắc
Công đoạn lựa chọn nguyên liệu để nấu tô bún riêu là công đoạn quan trọng giúp tô bún vẫn giữ nguyên được hương vị đặc biệt. Nếu thiếu đi một trong những nguyên liệu dưới đây, tô bún sẽ không còn sự hấp dẫn vốn có. Vậy nên, chị em hãy lưu ý trong bước chọn nguyên liệu nhé.
– Cua đồng xay: 1kg
– Bún: 500 gram
– Cà chua: 500 gram
– Giò sống: 200 gram
– Tiết heo luộc: 200 gram
– Đậu hũ: 4 bìa
– Tôm khô: 50 gram
– Mực khô: 50 gram
– Giò tai: 100 gram
– Mỡ heo: 100 gram
– Trứng gà: 3 quả
– Các loại rau thơm: giá, hành lá, rau sống, bắp chuối, …

– Một số gia vị thông thường: màu dầu điều, nước mắm, đường, dầu ăn, muối, hạt tiêu, ớt xay, …
2. Hướng dẫn chi tiết cách làm bún riêu cua chuẩn vị
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Hướng dẫn sơ chế cua đồng:
– Đầu tiên, cua đồng mua về rửa sạch với nước để loại bỏ bùn đất trên thân cua. Tiếp tục ngâm cua với nước vo gạo hoặc nước muối loãng chừng 10 – 15 phút.
– Sau đó, rửa lại với nước sạch 2 – 3 lần nữa để cua sạch hơn và loại bỏ hoàn toàn các bụi bẩn có trong cua. Vớt cua ra rổ và để ráo nước.
– Tiếp đến, tiến hành tách đôi phần mai cua để riêng, phần thân cua đem xay nhuyễn. Cho thân cua đã xay ra bát cùng với 35gr muối hạt trộn đều lên. Bọc màng thực phẩm rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút.
– Phần mai cua vừa tách ra, dùng thìa khều hết phần gạch còn lại ở mai cua ra bát.

Hướng dẫn sơ chế nguyên liệu còn lại:
– Tôm khô, mực: đem ngâm trong nước ấm để mềm ra rồi rửa lại với nước.
– Tiết heo: thái miếng vuông vừa miệng.
– Các loại rau sống, rau ăn kèm: rửa sạch với nước muối loãng để khử bụi bẩn trong vòng 15 phút. Sau đó vớt ra và rửa lại với nước thường 2, 3 lần rồi để ráo.
– Hành tím: bóc vỏ, băm nhỏ.
– Cà chua: bỏ cuống, rửa sạch rồi đem thái làm 4 miếng hình múi cau.
– Đậu phụ: cắt miếng vuông vừa ăn rồi đem chiên giòn đều các mặt.
2.2. Tiến hành nấu bún riêu cua
Bước 1: Lọc cua
– Cua sau khi để ngăn mát 30 phút đem ra lọc với 4 lít nước.
– Chị em từ từ cho nước lọc theo tỉ lệ 1 cua: 2 nước. Chuẩn bị thêm 1 tô lớn khác, sau đó, đổ lượng cua vừa xay nhuyễn qua rây để lọc cua cho đến khi hết.
– Lọc xong cất nước cua vào tủ lạnh để ngăn mát trong vòng 30 phút cho nước cua lắng lại.
– Phần xương cua còn lại, cho vào vải buộc chặt, đem đun lấy nước dùng ngọt từ xương cua.
– Sau khi để được 30 phút, tiếp tục lấy rây lọc lấy 3 lít nước cua cho vào nồi. Giữ lại 1 lít để vào bát riêng.
Bước 2: Hấp phần riêu cua
– Với 1 kg riêu cua, các chị em sẽ hấp cùng giò sống để khi ăn vẫn cảm nhận được hương vị riêng.
– Cho giò sống vào bát, đập thêm 2 quả trứng gà. Trộn đều với: ½ thìa bột ngọt + hành lá băm nhỏ + 1 lít nước lọc cua để riêng.
– Sau đó, đeo găng tay, dùng tay bóp để phần giò sống hòa quyện với trứng gà và nước lọc cua.
– Đem hấp cách thủy trong vòng 40 phút là chín.
Bước 3: Nấu nước dùng riêu cua
– Bắc chảo lên bếp, làm nóng chảo, sau đó cho mỡ chao với hành vào. Tiếp đó, cho tôm và mực vào đảo, chiên vàng đến khi dậy mùi thơm.
– Kế đến, thêm 1.5 lít nước từ phần xương cua bọc kỹ vải và cho phần tôm và mực đã chiên. Đun trên bếp lửa vừa khoảng 30 – 40 phút để nước tiết ra từ tôm, mực và xương cua được ngọt hơn.
– Tiếp tục, vặn lửa nhỏ dần và thêm 3 lít nước riêu đã lọc vào nồi. Đợi riêu cua từ từ tạo thành váng thị và nổi dần lên mặt nước.
– Cuối cùng, cho các nguyên liệu còn lại là cà chua, đậu hũ chiên, tiết heo, hành lá và gạch cua vào nồi. Nêm nếm gia vị với: 60gr đường, ½ muỗng canh bột ngọt, 20ml nước mắm, ½ muỗng canh hạt nêm, 1 chút tiêu. Khuấy đều để nước dùng hòa quyện các vị.
3. Trang trí cho bát bún riêu đẹp mắt và hấp dẫn.
Một bát bún riêu cua không chỉ vừa ngon vừa đẹp mắt mà còn giúp kích thích vị giác của người ăn.
Các chị em trần sơ bún trong nước sôi khoảng 10 giây rồi vớt ra bát. Cho phần riêu cua, cà chua, đậu hũ chiên vàng, tiết heo và chả thịt tùy theo sở thích từng thành viên. Trang trí lên phía trên mặt bún.
Tiếp tục chan thêm phần nước dùng ngọt từ hải sản. Một tô bún ngon sẽ dậy mùi thơm hơn nếu có một chút mắm tôm và một chút hành khô được phi thơm. Ăn kèm cùng rau sống như bắp chuối bào, giá, rau thơm cùng một chén nước chấm me thì còn gì tuyệt hơn.
Tô bún đủ màu sắc và hương vị nồng nàn sẽ khiến cho người ăn chưa nếm đều thấy thèm thuồng. Bún riêu cua thơm cùng nước dùng đậm đà nhưng ngọt thanh mùi riêu cua thơm, đậu hũ chiên rán giòn mềm, thịt chả hòa quyện tạo thành một món ăn hấp dẫn mà ai cũng yêu thích.
4. Những lưu ý Cần Nhớ khi nấu bún riêu cua
Về cách chọn cua đồng tươi ngon:
– Nên lựa chọn chính xác những con có đầy đủ cua càng, có màu tím xám đục và có thể di chuyển nhanh. Con đực thường có yếm nhỏ, nhọn sẽ ngọt và nhiều phần thịt. Đối với con cua cái, phần yếm cua thường lớn hơn các con đực.
Khi sơ chế cua đồng:
– Nếu có thời gian, chị em nên ngâm cua với nước muối tinh 45 phút để cua thải hoàn toàn bùn đất, cát bên trong. Việc này sẽ giúp công đoạn chế biến thịt và gạch sẽ sạch sẽ hơn và không lo mùi hay khi ăn có sạn.
– Một cách để khi sơ chế không bị cua kẹp tay đó là ngâm cua với nước đá lạnh khoảng 10 phút.
– Dùng máy xay hoặc giã tay bằng cối để váng thịt cua được mềm, mịn và giữ được mùi vị đặc trưng nhất. Giã cua bằng tối cùng một chút muối hạt sẽ tạo độ kết dính cho protein giúp dễ dàng hơn trong việc nấu cua đóng tảng.
Khi ăn:
– Bún cần được cắt nhỏ trước khi trần. Tránh cắt quá dài hoặc quá ngắn, cắt khoảng 5 – 8cm là vừa miệng nhất.
Một tô bún riêu đầy đặn cùng nước dùng đậm đà vị cua sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho một bữa sáng. Các chị em hãy tham khảo và bỏ túi ngay công thức nấu bún riêu cực hấp dẫn ở trên để gia đình luôn tràn đầy năng lượng cho ngày mới nhé.