Lẩu dê với hương vị mặn ngọt hài hòa, nước dùng ngọt thơm mà ai ai đặt chân đến Ninh Bình cũng phải say mê. Nếu các chị em đang tìm kiếm một công thức nấu lẩu dê đúng điệu người Ninh Bình, đầu bếp 5 sao của Yêu Bếp Nhà sẽ hướng dẫn các bước cực kỳ đơn giản ngay dưới đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu dê
– Thịt dê tươi: 1kg
– Xương dê: 2kg
– Nấm: 400gram
– Củ sen: 250gram
– Mộc nhĩ: 3 – 5 tai
– Nước dừa tươi: 2 trái
– Đậu phụ non: 4 bìa
– Khoai môn: 1 củ
– Thảo mộc: đẳng sâm, đinh hương, táo đỏ, quế khẩu, đại hồi (100gram/ mỗi loại)
– Cà rốt: 1 củ
– Chao: 5 viên (dùng làm nước chấm)
– Một số đồ ăn kèm: Bún rối, mì tôm, miến, mì gạo,…
– Một số loại rau thả lẩu: rau cải, cải thảo, rau muống, cải cúc, giá, các loại nấm,…

– Một số gia vị thông thường: muối, đường, hạt nêm, sa tế, rượu trắng, hành tây, hành tím, tỏi, sả,…
2. Hướng dẫn chi tiết cách làm lẩu dê
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Hướng dẫn sơ chế thịt dê:
– Sử dụng hỗn hợp rượu + gừng để khử hoàn toàn mùi hôi đặc trưng của thịt dê. Chị em dùng 70ml rượu trắng + gừng cạo vỏ, băm nhuyễn. Bóp thật ký thịt dê.
– Sau đó, rửa nhiều lần với nước muối pha loãng + rượu trắng pha loãng và để ráo. Rửa lại bằng nước sạch lạnh và vớt ra rổ.
– Kế đến, chị em dùng dao cắt thịt dê thành từng miếng lát mỏng vừa ăn.
– Với 1kg thịt dê, ướp theo tỉ lệ: ½ muỗng canh hành + tỏi băm nhuyễn, ½ muỗng canh ngũ vị hương, ½ muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng canh hạt nêm, ½ muỗng canh cà phê muối và 1 muỗng canh rượu trắng.

– Thời gian ướp thịt dê: 1 giờ đồng hồ.
Hướng dẫn sơ chế xương dê:
– Tương tự như cách sơ chế thịt dê, chị em vẫn dùng hỗn hợp rượu trắng + gừng để ngâm rửa xương dê.
– Sau đó, rửa sạch lại với nước muối pha loãng 1 vài lần rồi để ráo.
– Xương dê chặt từng khúc khoảng 3 đốt ngón tay.
Hướng dẫn sơ chế nguyên liệu rau củ quả:
– Củ sen tươi: rửa sạch 3 lần nước, gọt vỏ và cắt lát có độ dày chừng 0,5cm
– Khoai môn: đem gọt phần vỏ, rửa 1 – 2 lần với nước muối loãng để hết nhớt. Cắt khoai thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Hành tím, tỏi: bóc vỏ, băm nhuyễn hoặc đem xay nhuyễn bằng dụng cụ chuyên dụng.
– Gừng: cạo vỏ, đập dập hoặc thái lát sợi.
– Hành tây: bóc vỏ, rửa sạch, thái theo hình múi cau.
– Sả: cắt khúc 2 – 3 cm, đập dập.
– Cà rốt: cắt rễ, rửa sạch, thái từng miếng tròn nhỏ không quá dày.
– Đinh hương, hoa hồi, quế khâu, trần bì cùng thảo quả xếp và gói vào miếng vải xô, cột chặt.
– Mộc nhĩ: ngâm nước nóng để nở nhanh hơn, tiếp đó cắt bỏ chân và cắt thành 3 – 4 phần.
– Các loại rau thả lẩu: nhặt sạch gốc và phần héo úa, ngâm và rửa sạch với nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi để ráo.
– 4 bìa đậu non: rửa sạch, cắt thành từng miếng theo khối vuông bằng nhau.
2.2. Tiến hành nấu lẩu dê
Bước 1: Hầm nước dùng lẩu
– Đầu tiên, hành, tỏi băm phi thơm cùng 3 muỗng dầu ăn trên chảo. Tiếp đó cho hành lá, sả, gừng, ớt vào xào sơ với củ sen, cà rốt, hành tây.
– Chuẩn bị nồi to cùng 2,5 lít nước lọc sạch. Cho xương dê đã sơ chế và các loại rau củ vừa xào ở trên vào. Thêm đẳng sâm, hạ lửa nhỏ vừa phải.
– Sau 5 phút đun sôi, thêm các loại thảo mộc đã gói trên cùng đường phèn và táo đỏ. Đun ở mức lửa vừa trong 30 phút.
– Khi nước sôi bùng lên, chị em dùng muôi vớt phần bọt thừa để nước dùng được trong và thơm ngon hơn. Tiếp tục vặn lửa nhỏ liu riu và hầm khoảng 30 phút.
– Khi hầm xong, vớt xương dê ra nồi khác. Chị em chú ý lọc nước hầm thật kỹ sao cho không có cặn rồi đổ qua nồi đang đựng xương dê. Thêm nước dừa để tăng vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.
Bước 2: Chế biến nước lẩu
– Sau khi nước hầm xương dê đã xong, chị em vớt xương dê ra nồi khác. Lọc nước hầm qua rây sao cho không có cặn, rồi đổ qua nồi đựng xương dê.
– Thêm nước dừa tươi để tăng vị ngọt tự nhiên cho nước hầm. Tiếp đó, cho củ sen, khoai môn lần lượt vào.
– Sau khi nước sôi, chị em nêm nếm gia vị vừa với khẩu vị gia đình là được.
Bước 3: Pha nước chấm chao
– Cho 2 muỗng dầu ăn lên bếp, sau khi dầu sôi cho chao vào, đánh nhuyễn. Lưu ý đánh đều tay để nước chấm quyện và ngon hơn.
– Khi chao đã tạo thành hỗn hợp sền sệt thì thêm 2 muỗng canh nước lọc cùng chút sa tế và 1 muỗng canh đường. Khuấy đều tay, nêm nếm lại cho vừa miệng rồi tắt bếp.
3. Trang trí cho nồi lẩu dê
Đặt nồi lẩu giữa mâm, chị em hãy sắp xếp và trình bày món ăn sao cho vừa hấp dẫn và thuận tiện cho các thành viên trong gia đình.
Thịt dê được bày lên đĩa sẽ đẹp hơn nếu được xếp theo hình nan quạt. Chao chia ra 2 – 3 chén, rưới sa tế để tạo màu đỏ. Đậu hũ non xếp gọn gàng để không bị vỡ. Rau sống ráo nước xếp gọn lên đĩa, đặt quanh nồi lẩu.
4. Những lưu ý Cần Nhớ khi nấu lẩu dê
Khi sơ chế:
– Công đoạn sơ chế thịt dê và khử mùi hôi rất quan trọng, vì vậy, chị em cần lưu ý để món ăn vừa thơm vừa hấp dẫn.
– Muốn sơ chế kỹ hơn, chần sơ thịt dê với hỗn hợp gừng, sả, hành tím đun sôi để tăng hiệu quả khử mùi thịt dê.
– Dùng dụng cụ khò hoặc để nướng cháy xén phần da trên bếp sẽ giúp lớp da có màu nâu bắt mắt và ngon hơn.
Khi ăn:
– Thịt dê rất dễ chế biến nhưng các bà nội trợ cần lựa chọn nồi cho phù hợp. Vì không phải nồi nào cũng dùng nấu thịt dê được. Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang nghiên cứu, thịt dê nấu cùng nồi đồng sẽ tạo ra chất làm ảnh hưởng đến thận nếu ăn phải.
– Trong 1 số trường hợp, những người bị nóng trong cũng không nên ăn thịt dê. Đặc biệt hơn, phụ nữ có thai hấp thụ nhiều thịt dê sẽ gây động thai, sảy thai.
– Khi ăn, nhúng lần lượt rau và thịt dê đã ướp vào nồi lẩu. Chờ 1 – 2 phút gắp ra chấm cùng nước chấm chao rất hợp và thơm ngon.
Món lẩu dê không chỉ ngon mà còn đơn giản sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho ngày cuối tuần sum họp bên nhau đấy. Bỏ túi ngay công thức lẩu dê bất bại của các đầu bếp 5 sao ngay nhé!