Lẩu mắm Cần Thơ là sự kết hợp hài hòa của các phong cách ẩm thực đặc trưng miền Tây sông nước. Nồi lẩu mắm chua chua cay cay, đậm đà vị cá mắm làm say lòng những thực khách đã thưởng thức. Những ngày tụ tập gia đình bạn bè, nồi lẩu mắm Cần Thơ là sự lựa chọn hoàn hảo, để nấu nồi lẩu mắm chuẩn vị Cần Thơ ngon hơn ngoài hàng, các bậc nội trợ tham khảo những chia sẻ sau đây
Mục lục bài viết
1/ Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu mắm Cần Thơ
Lượn một vòng chợ nổi trên những chiếc ghe thuyền, các bậc nội trợ đã tìm kiếm được những nguyên liệu cần thiết cho món lẩu mắm Cần Thơ. Lẩu mắm không nhiều nguyên liệu, tùy thuộc vào sở thích nhúng lẩu của mỗi gia đình để chọn nguyên liệu
+ Mắm: 1 lọ (mắm cá sặc, mắm cá linh)
+ Thịt ba chỉ heo: 500gr
+ Tôm sú: 500gr
+ Mực ống: 500gr
+ 500ml nước dừa
+ 1kg bún tươi
+ Rau muống, rau cần ô, rau đắng, rau nhút, mướp hương, bông súng, bông điên điển. Mỗi loại một mớ
+ Gia vị: Hành, tiêu, tỏi, ớt, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, sa tế

2/ Hướng dẫn chi tiết cách nấu lẩu mắm Cần Thơ
Khi nấu lẩu mắm, người Cần Thơ hay người miền Tây nói chung sẽ tiến hành những công đoạn sau để tiết kiệm thời gian nhất nhưng vẫn đem lại đúng hương vị thơm của cá mắm
2.1 Sơ chế nguyên liệu
– Thịt ba chỉ heo
Thịt heo mua về người nấu đem rửa sạch và ngâm với nước muối loãng trong 5 phút, thái nhỏ theo từng thớ để rang lên
Ướp thịt heo: 500gr thịt heo ướp cùng với 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng hạt nêm, một củ hành tím, một chút tiêu
– Tôm
Tôm sú cắt râu, và rửa sạch với nước lạnh, không nên bỏ đầu vì phần đầu tôm khi nhúng lẩu vẫn tiết ra vị ngọt của hải sản
– Mực ống
Các chị em rút ống mực ra trước, dồn nước vào trong con mực để rửa sạch chất dịch đen, phải rửa thật kĩ từng con mực, sau đó ráo nước, xếp cả mực lẫn tôm ra đĩa
– Những nguyên liệu nhúng lẩu khác
Bún tươi các bậc nội trợ mua về đem trần qua nước sôi, sau đó cắt nhỏ thành các phần bày ra đĩa
Rau nhút các mẹ nhặt bỏ phần xốp bên ngoài, bỏ lá đi, nhặt phần cuống già, sau đó bẻ nhỏ vừa nửa gang tay. Rau cần tuốt rễ sau đó rửa sạch thái nhỏ, rau muống nhặt phần lá già lá úa. Với bông súng bông điên điển, các mẹ nội trợ rửa sạch và bầy ra mẹt rau cùng với các loại khác

2.2 Tiến hành nấu lẩu mắm Cần Thơ
Bước 1: Xào thịt ba chỉ
Các mẹ bắc chảo lên bếp, chảo to bé đều sử dụng được, sau đó phi hành mỡ, hành có mùi thơm bắt đầu cho thịt ba chỉ vào xào. Khi xào thịt để lửa bé, đảo đều tay đến khi thịt săn lại, khoảng 10 phút thịt ba chỉ sẽ chín.
Bước 2: Nấu nước mắm
Khi thịt ba chỉ chín các bậc nội trợ bắc một nồi hầm lên bếp, kích thước to chứa được 2 lít nước, cho 500ml nước, 500ml nước dừa tươi, 100ml mắm cá linh khuấy đều lên và đun trong 20 phút. Quá trình đun người nấu phải tập trung, không để nước mắm sôi quá sẽ bay mất hương vị thơm chuẩn vị của món cá mắm
Nên chọn mắm cá linh vì đây là loại mắm ưa dùng của người miền Tây, sẽ đem đến nồi lẩu mắm chuẩn vị nhất cho các gia đình
Tiếp theo người nấu cho rây lọc lên 1 cái nồi khác rồi từ từ cho phần nước mắm đã nấu sôi vào, lọc qua rây để bỏ xương cá. Khi lọc, nên để nước mắm bớt sôi, rồi đổ từ từ nước mắm qua rây, dùng ca múc nếu các chị em nội trợ không có rây to và không đủ khéo léo
Bước 3: Nấu nước lẩu
Dùng nồi lẩu mắm các mẹ đã chuẩn bị cho gia đình mình, cho thịt ba chỉ heo đã xào vào cùng nồi nước mắm đã loại bỏ phần xương. Ninh nồi lẩu với lửa nhỏ và đợi nước lẩu sôi, các mẹ có thể thả trước mực và tôm sú để nước lẩu ngọt và đậm đà.
Bước 4: Nêm nếm gia vị
Nồi lẩu mắm Cần Thơ cho 4 đến 5 người ăn phải đậm vị, thơm mùi cá, Yêu bếp nhà gợi ý các mẹ nêm nếm với 2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng bột canh, 1/2 muỗng tiêu, sa tế hoặc ớt tùy các bậc nội trợ. Nồi lẩu mắm không nên nhạt vì khi nhúng rau hoặc các nguyên liệu khác sẽ không mang lại đúng hương vị mà thực khách mong muốn
Xếp rau nhúng lẩu, tôm và mực ra bàn và cùng chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình các bậc nội trợ nhé
Bước 5: Nước chấm lẩu mắm Cần Thơ
Lẩu mắm Cần Thơ vốn đậm đà, nhưng nếu những thành viên trong gia đình muốn ăn nước chấm, các mẹ nội trợ có thể pha công thức nước chấm như sau
+ 2 muỗng nước mắm ngon
+ 4 muỗng canh nước lọc
+ 1 muỗng cà phê bột ngọt
+ 2,5 muỗng cà phê đường (đường sẽ giúp cho nước mắm chấm có vị đậm đà hơn)
2.3 Trang trí nồi lẩu mắm Cần Thơ
Theo phong cách ăn cay của người miền Tây, khi trang trí cho nồi lẩu mắm cần sử dụng nhiều ớt để trang trí, nồi lẩu mắm nên là nồi đất, nồi kho tộ, vì đây là những đồ dùng quen thuộc của các gia đình miền Tây sông nước. Khi trình bày sẽ khiến những người dân miền Tây nhớ đến truyền thống quê hương mình
Đồ nhúng lẩu phải được chia đều sang hai bên để mọi người đều có thể tham gia vào bàn lẩu mắm Cần Thơ.

3/ Những lưu ý khi nấu lẩu mắm Cần Thơ
Các bậc nội trợ là người miền Bắc, người miền Trung, lần đầu vào bếp chinh phục món lẩu mắm Cần Thơ cần lưu ý những điều sau
– Khi chọn mắm, ưu tiên chọn mắm cá linh, có vị thơm, được ủ lâu và kĩ, mắm cá linh ngon khi mở ra sẽ sặc mùi cá, mùi mặn mòi và thơm khó cưỡng
– Khi chọn những hải sản như tôm mực, phải chọn đồ tươi, còn sống, ấn vào có độ đàn hồi, màu sắc bóng sáng. Để chọn được hải sản tươi ngon, điều tiên quyết là các mẹ phải đi chợ sớm
– Nước dừa phải tươi để nấu lẩu mắm, nếu không có nước dừa tươi, người nấu hoàn toàn có thể sử dụng nước ninh xương gà, xương heo
– Rau nhúng lẩu nên là các loại rau đặc trưng của miền Tây sông nước như bông súng bông điên điển, món lẩu mắm Cần Thơ mới chuẩn vị. Những loại rau này sẽ khó kiếm ở miền Bắc, các mẹ có thể vào siêu thị để lựa, sản phẩm ở các siêu thị sẽ đa dạng cho các mẹ
– Là món ăn đạm đà ngọt thanh, lẩu mắm Cần Thơ còn cung cấp hàm lượng dinh dưỡng các protein, vitamin, và omega 3 rất tốt cho trẻ em đang tuổi phát triển, vị mặn của lẩu mắm không tốt cho người bị tiểu đường và cao huyết áp. Các mẹ phải chú ý những điều này để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho gia đình mình
Lẩu mắm Cần Thơ thơm ngon bổ dưỡng, vừa tốt cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình vừa là món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực miền Tây, chúc các bậc nội trợ chế biến thành công cho gia đình mình. Yêu bếp nhà hi vọng các gia đình Việt Nam luôn có những bữa lẩu ngon và nhiều dinh dưỡng