Canh xương khoai sọ là món canh phổ biến trong mâm cơm của các gia đình người Việt. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ vẫn chưa biết cách nấu món canh này chuẩn vị thơm ngon. Vậy thì hãy theo chân đầu bếp hàng đầu để nấu món canh xương khoai sọ đậm vị cho gia đình.
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần thiết để nấu canh xương khoai sọ
– Xương heo: 500 gam
– Khoai sọ: 700 gam
– Hành lá: 1 ít
– Ngò om: 1 ít
– Một số gia vị cần thiết: bột canh, mì chính, hạt nêm, tiêu…
Một số lưu ý khi chọn nguyên liệu để nấu canh xương khoai sọ:
– Khẩu phần ăn
Nguyên liệu đưa ra ở trên là mức nguyên liệu phù hợp cho phần ăn của 3 – 4 người. Tuỳ vào số lượng người trong gia đình và khẩu phần ăn của từng người mà các mẹ nội trợ có thể thay đổi lượng nguyên liệu cho phù hợp với gia đình mình.
– Đối xương heo
Cần chọn phần xương có nhiều nạc và ít mỡ để món canh vừa có độ ngọt của xương vừa có vị béo vừa phải. Nên chọn xương heo tươi mới (phần xương heo có có màu hồng nhạt, tránh những phần bị bầm, tím tái) để món canh được thơm ngon hơn.
– Đối khoai sọ
Không nên chọn những củ khoai quá to, cần chọn những củ có hình dáng tròn hoặc hình bầu dục. Đó là những dấu hiệu của những củ khoai ngon, bở, thích hợp để nấu canh xương khoai sọ.
– Đối với hành lá và ngò om
Nên chọn hành lá và ngò om xanh tươi từ gốc đến ngọn. Hành và ngò còn tươi sẽ có hương vị thơm hơn làm cho món canh xương khoai sọ có mùi vị đậm đà hơn

2. Hướng dẫn chi tiết cách nấu canh xương khoai sọ chuẩn vị
2.1 Sơ chế nguyên liệu chuẩn bị nấu canh khoai sọ và xương
– Xương heo:
Sau khi mua về cần rửa sạch với nước rồi chặt ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó, trần xương qua nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt ra rửa lại với nước sạch. Điều này sẽ giúp xương được sạch hơn và loại bỏ mùi hôi từ xương.
Để những miếng xương được đậm vị hơn, các bà nội trợ có thể đem xương ướp với một chút hạt nêm trong khoảng 15 phút. Sau đó mới đem xương đi nấu.
– Khoai sọ:
Đầu tiên cần gọt sạch vỏ của khoai sọ, cắt khoai ra thành những miếng vừa ăn. Không nên để nguyên củ khoai hoặc cắt những miếng khoai lớn quá. Như vậy, sẽ làm khoai lâu chín và không vừa miệng.
Khoai sau khi được cắt ra thì ngâm trong nước muối loãng để không bị thâm và loại bỏ được một phần nhớt. Sau khoảng 15 phút thì vớt khoai ra để cho ráo nước. Tiếp đó, trần khoai qua nước sôi 1 phút để tiếp tục loại bỏ phần nhờn.
Phần khoai đã trần xong thì đem rửa lại với nước sạch để hết phần nhờn, giúp khoai không bị ngứa. Vì khoai sọ có chứa lượng tinh thể oxalat canxi là nguyên nhân chính gây ngứa, nên khi sơ chế khoai sọ các bà nội trợ cần sơ chế cẩn thận, kỹ càng để khoai đem hầm được sạch, tránh gây ngứa cho người ăn.
– Hành lá, ngò òm
Loại bỏ phần gốc của hành lá, ngò om rồi đem rửa sạch với nước. Sau khi rửa xong thì cắt nhỏ cắt nhỏ ra. Có thể để lại một phần nhỏ hành lá để trang trí cho bát canh sau khi nấu xong.
2.2 Tiến hành nấu canh xương và khoai sọ đơn giản
Bước 1: Hầm xương
Cho phần xương đã sơ chế vào nồi rồi đổ thêm 1.5 lít nước. Nấu xương với lửa to cho đến khi nước sôi. Tiếp theo, thêm gia vị cho canh: ½ muỗng bột canh, ½ muỗng hạt nêm và thêm một ít mì chính, có thể thêm một ít tiêu (tuỳ vào khẩu vị của từng gia đình).
Việc thêm gia vị cho canh các bà mẹ nội trợ có thể tùy ý điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của gia đình mình.
Sau khi đã thêm gia vị xong thì để lửa nhỏ và tiếp tục hầm xương khoảng 40 – 45 phút để xương được mềm và nước có độ ngọt của xương.
Bước 2: Thêm khoai sọ
Cho phần khoai đã sơ chế vào nồi hầm xương. Lúc này nên để lửa vừa để nước sôi lại. Sau khi nước sôi thì chuyển về lửa nhỏ và tiếp tục hầm thêm khoảng 15 – 20 phút.
Tại bước này, các bà nội trợ hãy nếm lại canh để điều chỉnh gia vị cho phù hợp.
Bước 3: Thêm hành lá và ngò om
Thử lại xem khoai đã chín mềm hay chưa. Nếu khoai đã chín thì cho phần hành lá và ngò om cắt nhỏ vào. Sau đó tắt bếp.
2.3 Trang trí cho bát canh
Canh sau khi nấu xong thì múc ra bát tô để chuẩn bị cho bữa ăn. Các bà nội trợ có thể trang trí thêm cho cho tô canh bằng phần hành lá và ngò om để lại.
Một cách trang trí canh đơn giản là tỉa hành lá thành một số hình dạng hoa cơ bản. Sau đó, phối hợp với ngò òm để sắp xếp hợp lý, đẹp mắt trên tô canh.

3. Những lưu ý cần nhớ khi nấu canh xương khoai sọ
– Chú ý loại bỏ bọt trong quá trình hầm xương
Các mẹ nội trợ cần chú ý vớt phần bọt nổi trên bề mặt nước. Như thế sẽ làm cho nước canh được sạch và nhìn đẹp mắt hơn.
– Thời gian hầm xương và khoai phụ thuộc vào khẩu vị của gia đình
Thời gian hầm khoai và xương không cần cố định như đã hướng dẫn. Các bà mẹ nội trợ có thể linh hoạt thay đổi thời gian hầm sao cho phù hợp với độ chín của xương và khoai.
Xương lâu chín hơn khoai. Vì thế luôn hầm xương trước khoai như đã hướng dẫn. Không nên đảo ngược thứ tự thành hầm khoai trước, hầm xương sau.
– Tùy chỉnh lượng nước canh phù hợp với khẩu vị của gia đình
Lượng nước canh cũng có thể thay đổi phụ thuộc vào sở thích ăn uống của mỗi gia đình. Nếu gia đình nào muốn ăn cạnh dạng sệt thì hãy cho ít nước lại. Còn gia đình nào có sở thích ăn nhiều nước thì tăng lượng nước cho canh lên. Cũng lưu ý là không nên đổ quá nhiều nước canh sẽ làm nước mất vị ngọt của xương.

Như vậy, với sự hướng dẫn chi tiết về cách nấu canh xương khoai sọ ở trên, đầu bếp chúng tôi tin rằng các bà nội trợ có thể tự tin làm món canh xương khoai sọ chuẩn vị cho bữa cơm của gia đình mình.