Lẩu lươn với vị chua chua cay cay lâu nay là món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt Nam. Để nấu nồi lẩu lươn không tanh và mang đến hương vị đồng quê không phải là điều đơn giản. Sau đây những đầu bếp của Yêu bếp nhà sẽ hướng dẫn các bậc nội trợ chế biến thành công nồi lẩu lươn chua cay hấp dẫn cho gia đình.
Lẩu lươn chua cay ăn kèm với hoa chuối là chuẩn bài những ngày thời tiết giao mùa, se se lạnh.
Mục lục bài viết
1/ Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu lươn
Không khó để tìm kiếm những nguyên liệu để nấu được nồi lẩu lươn chua cay tại các chợ và cửa hàng, siêu thị. Các mẹ nên đi sớm để chọn được những nguyên liệu tươi sống sạch sẽ góp phần vào vị ngon đậm đà của món ăn
+ 1kg lươn (dành cho 4 người ăn)
+ Xương ống: 500 gr
+ 1kg bún tươi
+ Sả, hành tím, tỏi mỗi loại 3 đến 4 củ, 50g me chua
+ Rau nhúng lẩu: rau muống, hoa chuối, đậu bắp, ngò gai, húng bạc hà
+ Gia vị thông dụng: dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, mì chính,…

2/ Hướng dẫn chi tiết cách chế biến món lẩu lươn
Nồi lẩu lươn ngon là sự kết hợp của vị thơm đặc trưng của thịt lươn, vị sả và các loại gia vị khác tạo nên, để nấu nồi lẩu lươn chuẩn vị tiết kiệm thời gian, các chị em có thể tuân theo các bước làm sau đây của Yêu bếp nhà
2.1 Sơ chế nguyên liệu
– Với lươn
Lươn mua về, các mẹ phải thả vào trong nước nếu chưa làm luôn, còn không để khô và làm lươn. Lươn với đặc trưng da nhớt và trơn có mùi tanh nếu công đoạn này các mẹ xử lí không khéo sẽ làm cho lươn khi nấu không ngon
Dùng chanh và muối chà sát lên mình lươn, chà đều 1 kg lươn rồi rửa lại với nước sạch, để ráo và tiến hành mổ lươn
Chọn một con dao thật sắc, lưỡi nhọn, đầu dao bé, rạch một đường từ đầu lươn đến đuôi, moi ruột lươn và rửa với nước lã. Lươn sau khi tách ruột các mẹ mới chặt thành các khúc để nấu lẩu lươn, mỗi khúc dài từ 3cm đến 4cm
Ướp lươn: 1 kg lươn ướp với 2 củ sả đã thái khúc, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa canh nước mắm, tỏi băm nhuyễn và đảo đều

– Với xương ống
Xương ống để nấu lẩu lươn thêm ngọt và nhiều dinh dưỡng. Xương ống mua về trần qua với nước sôi, và rửa lại thật sạch với nước lã để loại bỏ các bụi bẩn trong xương. Công đoạn này giúp khử mùi hôi của xương và làm cho nồi nước dùng thêm ngọt và đậm đà
Ướp xương ống: đập bẹp đầu xương ống rồi ướp với 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê bột canh, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 củ hành tím giã nhuyễn, đảo đều xương trong các gia vị ngâm
– Sả đập dập sau đó cắt thành các khúc với độ dài từ 3cm đến 4cm, các loại rau khác như rau muống, rau húng nhặt sạch các lá úa héo và rửa trong nước muối loãng từ 2 đến 3 lần
– Hoa chuối mua ở chợ về chưa thái, các mẹ dùng bào sắc thái mỏng và ngâm trong nước để bợt nhựa và khi ăn hoa chuối không chát. Đậu bắp cắt cuống và thái đôi nếu quả đậu bắp quá to, nên chọn đậu bắp non để khi nấu nhanh chín, và khi ăn không bị dai
– Bún tươi mua về phải trần qua nước sôi và cắt thành các miếng vừa tay người gắp
2.2 Tiến hành nấu lẩu lươn
Bước 1: Nấu nước dùng
Dùng nồi hầm xương với kích thước vừa, hầm 500g xương ống vừa ướp với 1.5 lít nước. Trong quá trình hầm người nấu phải chú ý liên tục vớt bọt bỏ đi vì đây là các chất cặn của xương. Vớt bỏ bọt làm nồi nước hầm trong và dậy mùi thơm. Hầm xương trong khoảng 30 đến 35 phút xương sẽ chín, trong thời gian đợi xương chín nước dùng ngọt thanh các mẹ có thể làm phần lươn
Bước 2 Làm lươn
Lươn ướp các mẹ cho vào chảo sau khi phi hành tím thơm, đảo đều lươn trong chảo để lươn ngấm đủ các gia vị thịt săn chắc và giòn hơn.
Khi nồi nước hầm xương sôi trên bếp, đổ chảo chứa lươn vào nồi để hầm nước lẩu, cho thêm sả và ngò gai, húng bạc hà để nồi lẩu lươn dậy mùi, tác dụng của việc cho sả làm giúp khử mùi tanh của lươn, và làm vị của nước dùng có sự hài hòa cân bằng giữa vị thịt và hương vị từ thảo mộc thiên nhiên
2.3 Nêm nếm gia vị
Nêm nếm gia vị cho nồi lẩu lươn đậm đà và thơm ngon chua cay vị me, các mẹ có thể tham khảo qua cách nêm nếm sau của các đầu bếp. Nổi bật nhất trong món lẩu lươn là vị hơi đậm đà so với các món lẩu khác, vì lươn hay các loại con vật đồng quê khác ưa mặn, ăn cùng bún tươi sẽ cần bằng và ngon hơn và gia vị khi thêm nên là: 1/2 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa canh hạt nêm, 1/2 thìa canh mì chính và 50g me đã lọc qua rây, 1 quả ớt, đảo đều nồi nước lẩu.
2.4 Trang trí nồi lẩu lươn
Lẩu lươn sẽ hấp dẫn các thành viên trong gia đình hơn nếu các bậc nội trợ khéo léo trong cách trang trí và bày biện
Nồi lẩu lươn phải được bày ở giữa mâm, màu sắc phải hài hòa bao gồm màu đen của da lươn, màu nâu nâu của nước dùng màu xanh của các loại rau và sả, màu đỏ của ớt
Bày biện rau nhúng lẩu và bún đều sang hai bên nồi lẩu sẽ làm tăng thẩm mỹ và giúp cho mọi người đều có thể quây quần và thưởng thức. Trang trí trên các đĩa rau nhúng lẩu cũng là cách để các mẹ làm tăng độ hấp dẫn và thơm ngon, mỗi loại rau sẽ có cách bày biện trên đĩa riêng. Như hoa chuối các mẹ nên bày ở đĩa tròn dài thì trông đẹp mắt và cuốn hút hơn
Mời cả nhà mình vào cùng thưởng thức thôi nào các mẹ ơi

3/ Những lưu ý khi nấu lẩu lươn
Lần đầu nấu lẩu lươn chắc hẳn ai trong các bậc nội trợ cũng sẽ có sự lo lắng, không an tâm tại các bước làm, để giảm bớt sự lo lắng không an tâm đó, Yêu bếp nhà sẽ chỉ cho các mẹ những lưu ý tại các bước làm để các mẹ tự tin hoàn thành món ăn cho gia đình mình.
– Khi chọn mua lươn, phải chọn con lươn tươi và chuẩn lươn đồng không phải lươn nuôi. Giữa lươn đồng và lươn nuôi độ ngon và hàm lượng dinh dưỡng sẽ khác nhau nên Yêu bếp nhà ưu tiên các bậc nội trợ mua lươn đồng
– Với chia sẻ này cũng giúp các mẹ chọn được lươn ngon cho nhiều món ăn khác, lươn phải có độ lớn vừa phải, có hai phần màu rõ rệt, phần lưng màu đen, phần bụng màu vàng. Trái lại, với những con quá nhỏ thịt nhanh chín dễ nát thì nhà mình sẽ ăn không ngon và không đủ lượng, hoặc những con quá lớn (bụng có màu đen nhiều hơn màu vàng) thì đa phần thuộc loại lươn được người ta nuôi
– Xử lí lươn sẽ sạch sẽ với chanh và muối, ngoài ra các mẹ cũng có thể làm sạch lươn bằng cách cho gừng hoặc rượu, bia để chà lên mình lươn
– Khi nấu lẩu lươn, luôn để nhiệt độ vừa phải, để thịt lươn chín từ trong chín ra mềm thơm, không bị nát quá.
– Lẩu lươn ngon và cung cấp nhiều dinh dưỡng, chữa được nhiều bệnh và nâng cao sức khỏe cho gia đình mình, nhưng với người bị bệnh gút không nên ăn lươn vì hàm lượng đạm cao trong lươn sẽ không tốt cho người bệnh gút
Lẩu lươn chua cay hay lẩu lươn om chuối đậu cũng là sự lựa chọn hoàn hảo trong thực đơn các món ăn liên quan đến lươn. Nếu có dịp nấu cho gia đình mình thì các bậc nội trợ cũng nên thử, Yêu bếp nhà sẵn lòng đồng hành cùng các mẹ ở các món lẩu sau này.