Lẩu gà nước dừa là món ăn rất quen thuộc với nhiều gia đình trong các bữa ăn vào những ngày se lạnh. Nếu chị em là người say mê các món ăn từ gà, vậy thì lẩu gà nước dừa sẽ là món ăn hấp dẫn, cực kỳ đơn giản mà không thể bỏ qua. Cùng các đầu bếp 5 sao học cách làm lẩu gà nước dừa chỉ với 3 bước nhé!
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà nước dừa
– Gà ta (1 con): khoảng 1.5kg
– Xương gà, xương heo: 600gram
– Dừa xiêm: 2 trái
– Cà rốt: 1 củ
– Cà chua: 3 quả to
– Nấm hương: 20 gram
– Riềng: 3 củ
– Lá chanh: 6,7 lá
– Một số loại đồ nhúng: cải thảo, rau cải, rau cần, rau muống, các loại nấm, ngô, đậu phụ, váng đậu, bún rối, mì gạo, mì tôm,…
– Một số gia vị thông thường: bột canh, đường, bột ngọt, nước mắm, sa tế, bột cà ri, sả, ớt, gừng, tỏi,…

2. Hướng dẫn chi tiết nấu lẩu gà nước dừa
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Hướng dẫn sơ chế thịt gà:
– Đầu tiên, ngâm gà trong nước muối pha loãng khoảng 30 phút để loại bỏ hết vi khuẩn trong thịt gà.
– Loại bỏ những phần không ăn được ở nội tạng gà, rồi dùng muối rửa nhiều lần, thái nhỏ và để ra đĩa.
– Tiếp đó, dùng hỗn hợp bao gồm chanh + muối tinh để rửa sạch gà và khử mùi hôi. Sau đó, rửa lại bằng nước lạnh nhiều lần rồi vớt ra rổ và để ráo.
– Đặt gà lên thớt, tiến hành chặt gà thành từng miếng hình chữ nhật hoặc hình bình hành là đẹp nhất.
– Với 1kg thịt gà, ướp theo tỉ lệ sau đây: 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng cà phê tỏi băm + 1 muỗng cà phê tiêu.
– Trộn đều để gia vị thấm trên thân gà, dùng màng bọc thực phẩm đậy kín.
– Thời gian ướp thịt gà: 20 phút
Hướng dẫn sơ chế xương heo:
– Xương heo cũng rửa với hỗn hợp chanh + muối tinh + gừng đập dập để khử mùi và làm sạch.
– Sau đó, xương đem chần trong nước sôi 5 phút, vớt ra để ráo rồi rửa lại với nước lạnh cho sạch. Lưu ý: sau khi chần 5 phút, chị em nhớ đổ bỏ phần nước vừa chần, lấy nước khác để hầm xương.
– Chặt xương thành theo từng khúc nhỏ vừa ăn.
Hướng dẫn sơ chế nguyên liệu rau củ quả:
– Tỏi, hành tím: bóc vỏ, băm nhuyễn
– Sả: bóc 1, 2 lớp bên ngoài, rửa sạch, cắt thành từng khúc
– Riềng: cạo vỏ, thái lát mỏng.
– Cà rốt: cạo vỏ, rửa sạch, thát lát mỏng hoặc tạo hình hoa bắt mắt
– Cà chua: bỏ cuống, rửa và thái múi cau.
– Ớt, lá chanh: rửa sạch, đập dập ớt và bỏ hạt nếu thích
– Các loại rau thả lẩu: rửa kỹ với nước muối pha loãng trong vòng 15 phút để loại bỏ bụi bẩn, rồi đem rửa với nước lạnh.
2.2. Tiến hành nấu lẩu gà nước dừa
Bước 1: Hầm xương
– Chuẩn bị nồi và 2 lít nước. Cho xương heo đã sơ chế vào, đun sôi ở lửa to
– Khi nước sôi bùng lên, chị em điều chỉnh lửa về nhỏ, hầm trong khoảng 1 tiếng đồng hồ để xương tiết ra vị ngọt tự nhiên.
Bước 2: Chế biến nước lẩu gà nước dừa
– Bắc nồi khác, cho 2 muỗng canh dầu ăn vào, phi thơm hành tím, tỏi băm, riềng, sả đã sơ chế.
– Khi đã dậy mùi thơm, đổ 2 lít nước xương heo đã hầm vào, đun sôi khoảng 15 phút ở mức lửa to.
– Nước sôi, thêm 40ml dầu điều, nước dừa tươi vào khuấy đều và đun hỗn hợp cùng cà rốt, cà chua, 5 lá chanh, 5 quả ớt.
– Nêm nước dùng với: 30ml nước mắm + 3 muỗng canh bột nêm + 1 muỗng canh bột canh + ½ muỗng canh đường + ⅓ muỗng canh tiêu xay.
– Tiếp tục đun trong khoảng 2 – 3 phút.
Bước 3: Nêm nếm gia vị
– Bước cuối cùng, chị em dùng thìa nếm thử vị của nước dùng để cân chỉnh lại độ mặn ngọt vừa phải theo đúng khẩu vị của gia đình là được.
3.Trang trí cho nồi lẩu gà nước dừa
Chị em cho phần nước lẩu vừa chế biến ra một nồi lẩu mini, đặt ở vị trí trung tâm. Các đĩa rau, đậu, thịt gà, bún xếp xung quanh nồi lẩu sao cho vừa đẹp mắt vừa thuận tiện cho các thành viên trong nhà.
Chị em cũng đừng quên chuẩn bị những chén nước chấm mắm chanh và thêm một ít ớt tươi để tăng thêm hương vị đậm đà của món ăn nhé.
4. Những lưu ý Cần Nhớ khi nấu lẩu gà nước dừa
– Về khẩu phần ăn, trên đây là công thức và nguyên liệu nấu dành cho gia đình có 4 – 5 người, các chị em nội trợ nên lưu ý cân đo hợp lý để không thiếu cũng không thừa quá nhiều lượng đồ ăn nhé.
– Khi nhúng lẩu, thịt gà ăn đến đâu thì thả đến đó, để thịt vừa chín tới và không bị nát. Với lẩu gà nước dừa, chị em cũng có thể kết hợp với các loại hải sản, gầu bò, mà không sợ làm mất đi vị thơm ngon cũng như chất dinh dưỡng của món lẩu.
– Để nước lẩu đậm vị hơn, củ cải trắng và ngô ngọt sẽ giúp tăng vị ngọt tự nhiên hơn là hạt nêm. Việc cho quá nhiều hạt nêm có thể khiến nước dùng trở nên đục và mất đi hương vị ngọt từ xương.
– Các mẹ lưu ý, trẻ em không nên ăn quá nhiều phần cổ gà. Vì, cổ gà là nơi chứa nhiều chất hormone tăng trưởng, đây sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Nồi lẩu gà nước dừa với hương vị đậm đà từ nước dùng, thanh thanh nước dừa và vị mềm của thịt gà sẽ gây nghiền vào những ngày trời se lạnh. Các chị em nội trợ hãy sưu tầm ngay công thức nấu lẩu gà nước dừa vào thực đơn mỗi ngày nhé.