Lẩu gà bò nấm được các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam đánh giá là món ăn có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Vậy nên các chị em nội trợ hãy nhanh tay học ngay cách nấu món lẩu này để thiết đãi gia đình mình trong ngày cuối tuần nhé!
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà bò nấm
Những nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà bò nấm cho khẩu phần ăn của 4 – 5 người lớn:
– Gà: 1.5kg
– Thịt bò: 500g
– Xương heo: 500g
– Các loại nấm: nấm hương (nấm đông cô), nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư, nấm đùi gà…mỗi loại 200g
– Một số loại rau ăn với lẩu: xà lách, cải thìa, cải bắp, rau muống, hành lá…
– Những gia vị cần thiết: mắm, muối, hạt nêm, mì chính, tiêu, ớt tươi…
Một số lưu ý khi chọn nguyên liệu để nấu lẩu gà bò nấm:
Đối với thịt gà
Loại gà thích hợp nhất để nấu lẩu là gà ta và khoảng 1.2 – 1.5kg. Vì gà ta thường chắc thịt và có độ dai hơn gà công nghiệp. Hơn nữa, gà trong độ 1.2 – 1.5kg là gà không quá già cũng không quá non, ở giai đoạn này thịt gà đạt được độ mềm, ngọt nhất.
Khi chọn gà ta, cần chọn nguyên con và chọn những con béo, nhiều thịt. Nếu là gà đã làm sẵn thì chọn những con có da mỏng, màu vàng nhạt, gà có độ đàn hồi cao. Các bà nội trợ cần tránh những con gà có mào màu tái, thâm tím hoặc trên người có các vết bầm tím bất thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có gà ta các chị em nội trợ vẫn sử dụng gà công nghiệp để thay thế được.
Đối với thịt bò
Thịt bò nên chọn những phần còn đỏ tươi nếu có mỡ thì mỡ màu vàng tươi và các đường gân phải có màu trắng. Tuy nhiên, cần chọn miếng thịt bò có nhiều nạc hơn mỡ để ăn không bị ngán, lượng mỡ chỉ nên dao động trong khoảng 20 – 25%.
Các chị em cũng cần để ý để tránh những miếng thịt bò đã mềm nhũn, không có độ đàn hồi cao và thịt có mùi hôi bất thường.
Đối với xương heo
Xương heo được dùng trong lẩu gà bò nấm với công dụng chính là làm ngọt nước lẩu. Nên chị em nội trợ không cần quá chú trọng đến lượng thịt ở xương mà chỉ cần chọn xương cho độ ngọt nước cao là được. Theo lời khuyên của đầu bếp tại nhà hàng 5 sao thì trong trường hợp này xương ống là loại xương thích hợp nhất.

2. Hướng dẫn chi tiết cách nấu lẩu gà bò nấm
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Thực hiện sơ chế gà
Gà khi đã làm sạch sẽ, các chị em nội trợ hãy xát muối xung quanh con gà để loại bỏ mùi hôi từ thịt. Sau đó, mang gà rửa với nước sạch và để cho ráo nước. Lúc gà đã ráo nước, chị em nội trợ hãy chặt ra làm 4 phần để dùng dao nhỏ rút phần xương gà cho dễ.
Đối với phần da và thịt gà, cần chặt ra thành từng miếng vừa ăn, không chặt nhỏ quá làm gà bị nát. Chặt xong thì đem gà đi ướp với gia vị sau: ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng hạt nêm, ½ muỗng tiêu xay, 2 nhánh tỏi đã băm nhỏ. Ướp gà khoảng 25 – 30 phút để gia vị được ngấm đều.
Thực hiện sơ chế thịt bò
Mua thịt bò về các bà nội trợ hãy lấy một củ gừng giã nhuyễn rồi chà lên thịt bò để loại bỏ mùi hôi, sau đó đem rửa với nước sạch. Kế đến, chờ cho thịt bò ráo nước hãy mang cắt thịt bò thành từng miếng mỏng để ra đĩa riêng.
Nếu muốn thịt bò khi nhúng lẩu sẽ đậm vị, có mùi thơm của gia vị thì sau khi cắt xong nên ướp thịt bò với các vị như: ½ muỗng hạt nêm, ½ muỗng tiêu, 2 nhánh tỏi băm nhuyễn, 1 muỗng gừng băm nhuyễn.
Thực hiện sơ chế xương heo
Xương heo cần được làm sạch với nước rồi đem chặt ra thành từng khúc dài khoảng 1 ngón tay. Kế đến, mang xương heo chần qua nước sôi để loại bỏ những tạp chất không tan.
Thực hiện sơ chế nấm và rau
Đối với các loại nấm và rau nói chung, chị em nội trợ chỉ cần loại bỏ những phần không ăn được (phần già, phần gốc, phần héo úa, phần sâu) rồi rửa với nước muối loãng. Sau cùng, để cho rau và nấm ráo nước là được.
2.2. Tiến hành nấu lẩu
Bước 1: Nấu nước lẩu
Bắc nồi lên bếp rồi thêm vào 2 lít nước (dựa vào khẩu phần ăn của cả nhà mà các bà nội hãy điều chỉnh lượng nước cho phù hợp). Tiếp đến, cho xương heo và xương gà vào để hầm.
Nên hầm từ 60 – 90 phút để nước hầm được ngọt vị, có mùi thơm từ xương. Trong khi hầm, chị em nội trợ hãy thêm vào một chút muối để xương nhanh nhừ hơn.
Bước 2: Xào gà
Cho chảo lên bếp, đến khi chảo nóng thì cho dầu ăn vào (khoảng 2 muỗng dầu ăn). Rồi cho phần thịt và da gà đã chặt vào để xào. Trong quá trình xào cần đảo đều và chú ý độ lớn của lửa để gà không bị cháy. Xào đến khi nào thấy thịt gà săn lại thì tắt bếp.
Bước 3: Hoàn thiện món lẩu
Khi gần ăn, chị em nội trợ hãy thổi sôi lại nồi nước hầm rồi cho ⅓ các loại nấm vào. Nếu gia đình nào thích ăn thịt gà ngấm hương vị nấm thì nên cho vào từ lúc này luôn. Tuy nhiên, nên cho ½ lượng thịt gà để gà không bị quá mềm.
Còn nếu gia đình nào muốn ăn gà nguyên vị thì nên cho gà vào sau, ăn tới đâu thì cho gà vào tới đó.
Cuối cùng, các bà nội trợ chỉ cần nêm nếm lại gia vị lần cuối cho vừa với khẩu vị của mọi người trong nhà rồi tắt bếp là được.
2.3. Trang trí cho nồi lẩu
Để nồi lẩu thêm phần bắt mắt, hấp dẫn người ăn chị em nội trợ hãy thêm vào một ít hành lá đã băm nhỏ và 2 – 3 quả ớt tỉa hình hoa đơn giản. Rồi đặt nồi lẩu vào giữa bàn ăn, xung quanh bày những loại nguyên liệu ăn kèm cùng lẩu.

3. Những lưu ý cần nhớ khi nấu lẩu gà bò nấm
– Lượng nguyên liệu
Nguyên liệu như công thức trên đưa ra là khẩu phần ăn trung bình cho 4 người lớn. Vậy nên người nấu cần căn cứ vào số lượng người ăn thực tế để điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp. Tránh để nguyên liệu dư thừa, bỏ phí.
– Nguyên liệu ăn kèm
Lẩu gà bò nấm ăn kèm được với nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên người nấu cần dựa vào sở thích của người ăn mà chọn các loại nguyên liệu cho phù hợp. Gợi ý một số loại nguyên liệu ăn kèm với lẩu gà bò nấm như: hải sản (tôm, sò, mực…), chả cá, xúc xích, các loại rau…
– Khi nấu nước lẩu
Các bà nội trợ khi hầm nước lẩu cần chú ý vớt hết các bọt nổi trên bề mặt nước ra. Làm như vậy vừa loại bỏ được các chất béo không tan ở xương vừa làm cho nước hầm được trong hơn.

Cuối tuần đến rồi, các chị em hãy nấu lẩu gà bò nấm để gia đình, bạn bè của mình có được bữa cơm cuối tuần vui vẻ, ngon miệng nhé!