Lẩu hải sản kim chi là món ăn nổi tiếng ở Hàn Quốc được giới trẻ yêu thích. Món lẩu với hương vị chua cay đậm đà, ngon hết ý. Nhưng làm sao để làm được lẩu hải sản kim chi chuẩn vị Hàn Quốc? Hãy cùng vào bếp và làm theo công thức của đầu bếp xứ sở kim chi dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Nguyên liệu cần để nấu lẩu hải sản kim chi
Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu hải kim chi cho khẩu phần ăn của 4 – 5 người:
– Các loại hải sản: bạch tuộc (450g), mực (450g), tôm (450g), nghêu (200g), chả cá (150g)…
– Kim chi Hàn Quốc: 300g
– Thịt bò: 150g
– Các loại nấm và rau ăn với lẩu: nấm kim châm, nấm kim chi, nấm đùi gà, xà lách, rau tơi, rau muống…
– Những loại gia vị cơ bản: muối, nước mắm, đường, hạt nêm, ớt, tỏi, hành tím…
Lưu ý khi chọn nguyên liệu để nấu lẩu hải sản kim chi:
– Đối với hải sản
Cần chọn những loại hải sản còn tươi sống, không có mùi lạ. Nên tránh những hải sản không tanh, ít nhớt và thân mình không còn độ liên kết chặt giữa các bộ phận. Nếu là những hải sản đông lạnh thì cần chọn những loại được bọc gói cẩn thận, còn hạn sử dụng và không có dấu hiệu thịt bị nát hay xuất hiện mùi lạ.
– Đối với kim chi
Kim chi cần mua ở những địa chỉ uy tín để có thể đảm bảo về hương vị cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, kim chi cũng làm được tại nhà nên chị em hãy thử học cách làm kim chi để đảm bảo chất lượng.
– Đối với thịt bò
Các bà nội trợ cần chọn miếng thịt bò có màu đỏ tươi, ít mỡ, bề mặt thịt mềm, các thớ thịt nhỏ. Đó là loại thịt bò ngon rất thích hợp để ăn lẩu. Loại thịt này thường có ở phần bắp bò, thăn bò, diềm thăn…

2. Hướng dẫn cách nấu lẩu hải sản kim chi chuẩn vị
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Hướng dẫn sơ chế hải sản
Bạch tuộc: khi mua về thì đem bạch tuộc rửa với nước muối loãng để loại bỏ những chất bẩn trong tua của bạch tuộc. Kế đến, cần lật ngược bạch tuộc lại rồi bóp nhẹ vào lỗ tròn để dễ dàng lấy răng của bạch tuộc ra. Sau đó, dùng kéo hoặc dao nhỏ để loại bỏ phần mắt và ruột của bạch tuộc rồi rửa lại một lần nữa với nước sạch là được.
Mực: rửa thật sạch mực dưới vòi nước rồi dùng tay kéo phần râu mực ra, kèm theo đó là phần ruột mực cũng bị kéo ra. Tiếp theo, các mẹ nội trợ cần kéo phần xương sống mực để loại bỏ phần này và cắt đầu mực rời ra khỏi phần ruột mực (chỉ lấy đầu mực và bỏ phần ruột mực). Cuối cùng, rửa lại mực thật sạch (nhất là phía trong của mực) là được.
Bạch tuộc và tôm sau khi đã làm sạch thì đem cắt thành từng lát nhỏ vừa ăn (dày khoảng 1cm). Không nên cắt quá nhỏ vì sẽ làm người ăn khó gắp khi thưởng thức lẩu.
Tôm: cắt bỏ phần râu tôm rồi dùng tăm xiên qua mình tôm để loại bỏ đường chỉ đen ở tôm. Sau đó, đem tôm rửa lại một lần nữa với nước sạch.
Nghêu: cần ngâm nghêu với nước sạch và một vài lát ớt cùng một chút muối trong khoảng 2 – 3 tiếng để nghêu tự nhả hết cát và bụi bẩn. Tiếp đó, vớt nghêu ra và rửa sạch lại với nước.
Chả cá: rửa sạch rồi cắt ra thành từng lát để ăn với lẩu.
Hướng dẫn sơ chế thịt bò
Thịt bò cần được rửa sạch rồi để cho ráo nước. Sau đấy, mang thịt bò đi cắt thành từng lát mỏng để nhúng lẩu. Không nên cắt quá dày vì sẽ làm thịt bò lâu chín khi ăn lẩu.
Nếu muốn ăn thịt bò được ngấm gia vị đậm đà hơn, chị em nội trợ hãy ướp thịt bò với ½ muỗng hạt nêm, 1 chút tiêu, 2 nhánh tỏi băm nhỏ và 1 chút gừng.
Hướng dẫn sơ chế các loại nấm và rau
Tiến hành loại bỏ phần gốc, phần già, bị sâu hoặc đã héo úa của rau và nấm. Sau đó cắt ra thành khúc/miếng vừa ăn rồi mang đi rửa với nước muối loãng. Kế tiếp, rửa lại rau và nấm một lần nữa với nước sạch rồi để cho ráo nước là được.
2.2. Tiến hành nấu lẩu
Bước 1: Nấu nước lẩu hải sản kim
Bắc nồi lên bếp và chờ khoảng 1 phút để cho nồi được nóng lên. Khi nồi nóng lên thì cho vào khoảng 2 muỗng dầu ăn rồi thêm vào 1 củ hành tím đã băm nhỏ. Phi hành cho đến lúc ngửi thấy mùi thơm, lúc này chị em nội trợ cần cho thêm kim chi vào để xào cùng. Liên tục xào kim chi trong khoảng 5 – 7 phút.
Sau đó, cho vào nồi khoảng 1.5 – 2 lít nước để nấu cùng kim chi. Nấu với lửa to cho đến khi nước sôi, khi đã sôi rồi nên giảm lửa nhỏ xuống để tránh trường hợp nước sôi tràn ra ngoài.
Bước 2: Thêm gia vị và hoàn thành món lẩu
Nước lẩu sôi lên thì cho đồng loạt 1/2 các loại hải sản vào, tiếp tục nấu cho đến khi nước lẩu sôi lại lần nữa. Lúc này, các bà nội trợ chỉ cần thêm gia vị sao cho hợp với khẩu vị của gia đình mình và chờ cho các loại nguyên liệu chín đều là tắt bếp được.
2.3. Trang trí nồi lẩu
Nồi lẩu được đặt trên bếp ở giữa bàn ăn, bên trong nồi lẩu rắc một ít hành lá đã cắt nhỏ, thêm vào 1 quả ớt đã tỉa hình hoa xếp với phần gốc đã tỉa hoa của cây hành lá. Như thế lẩu sẽ trở nên bắt mắt, hấp dẫn người ăn hơn. Còn các loại nguyên liệu khác thì xếp ra đĩa rồi bày xung quanh nồi lẩu để mọi người cùng ăn được.

3. Những lưu ý cần nhớ khi nấu lẩu hải sản kim chi
Dùng xương để nấu nước lẩu: thông thường khi nấu hải sản sẽ không cần dùng xương để nấu nước lẩu. Tuy nhiên, nếu ở nhà đã có xương sẵn, các bà nội trợ hãy sử dụng xương nấu nước lẩu để nước được ngọt và thơm hơn. Trong quá trình nấu xương cần vớt bọt trên bề mặt để nước lẩu trong hơn.
Luôn giữ lẩu được nóng trong suốt quá trình ăn: vì là lẩu hải sản nên khi ăn nguội sẽ làm các loại hải sản trở nên có mùi tanh hơn gây khó chịu cho người ăn. Mặt khác, ăn khi còn nóng sẽ làm cho nước lẩu và các loại hải sản giữ được đúng hương vị, ăn vào sẽ cảm thấy như món lẩu chuẩn vị Hàn Quốc.
Ăn lẩu cùng với các món ăn đặc trưng của xứ sở kim chi: ngoài những nguyên liệu ăn kèm với lẩu ở trên, khi ăn nên ăn kèm với một số món mang đặc trưng của Hàn Quốc như: mì, kimbap, nấm…

Chỉ với 2 bước đơn giản như ở trên là đã có ngay một nồi lẩu hải sản kim chi siêu ngon siêu hấp dẫn để thiết đãi bạn bè, gia đình. Thế nên, chị em nội trợ hãy vào bếp học cách làm món lẩu này để trổ tài nấu nướng với mọi người nhé!