Hướng dẫn chi tiết nấu lẩu lòng bò hấp dẫn, tròn vị ngay tại nhà

Món Ăn Phổ Biến Hàng Ngày

Lẩu lòng bò là cái tên khiến ai cũng phải say mê bởi nước dùng đậm đà, thơm mùi dứa cùng lòng bò non giòn, mềm. Vào những ngày trời chuyển mùa, tự tay làm một nồi lẩu nóng hổi cho gia đình và bạn bè quây quần thì còn gì tuyệt bằng. Các chuyên gia ẩm thực sẽ hướng dẫn cách để làm lẩu lòng bò cực đơn giản dưới đây nhé.

1. Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu lòng bò

– Lòng bò non: 1kg

– Dừa tươi: 1 trái

– Dứa: 1 trái

– Nấm rơm: 300gram

– Cà chua: 3 quả to

– Bún rối: 1kg

– Một số loại rau ăn kèm: xà lách xoong, bắp cải, cải thảo, rau cần, nấm các loại,  bắp cải bẹ xanh, … tùy vào mùa, sở thích của gia đình.

– Một số loại rau thơm: hành lá, sả, chanh (2 quả), hành tím (2 củ), ớt chỉ thiên (2 trái), tỏi, gừng, …

– Một số gia vị thông thường: giấm, nước mắm, sa tế, hạt nêm, muối, đường, …

Nguyên liệu chính không thể thiếu trong món lẩu lòng bò
Nguyên liệu chính không thể thiếu trong món lẩu lòng bò

2. Hướng dẫn chi tiết cách làm lẩu lòng bò chuẩn vị

2.1. Sơ chế nguyên liệu

Hướng dẫn sơ chế lòng bò non:

– Lòng bò mua về, chà rửa trực tiếp bằng muối và chanh thật sạch. Tiếp đó, xả lòng dưới vòi nước lạnh để bỏ hết dịch bên trong lòng.

– Sau đó, các chị em dùng sả để khử mùi hôi của lòng bò. Bóc hết lớp vỏ già ngoài của sả, rửa sạch, đập dập hoặc cắt từng khúc.

– Cho sả vào nồi nước sôi vài phút, đợi nước dậy mùi thơm của sả thì cho lòng bò đã làm sạch chần qua nước sôi 2 – 3 phút. Kế đến, lòng bò vớt ra và thả ngay vào chậu nước lạnh giúp lòng bò giữ nguyên được độ giòn sật.

– Tiếp đó, lòng bò đem luộc lại trong vòng 5 phút rồi đem thái vừa ăn là được.

– Ướp 1kg lòng bò với: 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng cà phê hạt nêm + 1 muỗng cà phê đường + ½ muỗng canh nước mắm + 1 muỗng cà phê ớt sa tế + 1 muỗng cà phê ngũ vị hương.

– Ướp trong vòng 30 phút để lòng thấm đều gia vị.

Hướng dẫn sơ chế xương bò:

– Tương tự với lòng bò, xương bò cũng cần được làm sạch, khử mùi kĩ. Chị em dùng nước muối pha loãng và gừng đập dập và rửa nhiều lần.

– Để thải toàn bộ chất bẩn, đem xương bò trần trong nước sôi 5 phút. Kế đến, rửa qua nước vài lần là sạch và để ráo nước.

Sơ chế lòng bò là công đoạn quan trọng mà các chị em cần lưu ý
Sơ chế lòng bò là công đoạn quan trọng mà các chị em cần lưu ý

Hướng dẫn sơ chế rau củ quả:

– Dứa gọt bỏ, loại bỏ mắt và lõi. Cắt làm 4, thái thành các miếng dày khoảng 1 – 2 cm

– Nấm rơm rửa sạch với nước muối pha loãng 20 phút, cắt bỏ phần dính đất.

– Cà chua cắt làm 4 hình múi cau.

– Gừng gọt sạch vỏ, thái sợi mỏng.

– Tỏi, hành tím bóc vỏ, thái nhuyễn.

– Ớt chỉ thiên băm nhỏ, nhuyễn.

– Hành lá cắt rễ, rửa sạch và cắt thành từng đoạn dài.

– Các loại rau thả lẩu ngâm nước muối, rửa 2 – 3 lần nước và để ráo.

2.2. Tiến hành nấu lẩu lòng bò

Bước 1: Hầm xương bò

– Chuẩn bị 2 lít nước và thả xương bò vào đun sôi. Để lửa ở mức to, đến khi sôi thì giảm lửa nhỏ liu riu.

– Hầm trong 1 – 2 tiếng để xương bò tiết ra đủ chất và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.

Bước 2: Xào sơ qua lòng bò

– Bắc chảo để lửa to, phi thơm ½ phần hành tím và tỏi băm với 2 muỗng canh dầu ăn.

– Khi dậy mùi thơm, thả lòng bò vào xào, đảo đều tay cho đến khi lòng bò săn thì cho ra đĩa và tắt bếp.

Bước 3: Nấu nước dùng lẩu lòng bò

– Chuẩn bị nồi lớn bắc lên bếp, cho dầu ăn và tiếp tục phi thơm hành tím và tỏi băm còn lại.

– 1 phút sau, cho ớt băm, nước dừa tươi và nước hầm xương bò vào đun sôi.

– Tiếp đó, cho dứa, cà chua, nấm rơm đã sơ chế vào, đợi thêm 4 – 5 phút rồi thêm phần lòng bò đã xào sơ vào.

– Khi thấy lòng bò chín tới, độ dai vừa phải thì cho tiêu và hành lá để tăng hương vị món ăn.

Bước 4: Nêm nếm gia vị 

– Với bước cuối cùng, chị em hãy nếm thử vị của nước dùng và cân chỉnh lại gia vị sao cho độ mặn, ngọt phù hợp với gia đình mình.

3. Trang trí cho nồi lẩu lòng bò

Đặt nồi lẩu ở vị trí trung tâm, hai bên lần lượt là rau thả lẩu, đồ nhúng và nước chấm. Trình bày các món nhúng đã được sơ chế xung quanh nồi lẩu để vừa cân đối, thuận tiện và đẹp mắt nhất.

Hương vị của lẩu hòa quyện thêm 1 chút sa tế ớt vừa khiến màu nước dùng trở nên bắt mắt hơn vừa dậy lên mùi vị đậm đà.

Đồ uống ngon sẽ kích thích vị giác và tăng độ hấp dẫn cho nồi lẩu. Chị em nhớ chuẩn bị thêm bia lạnh, coca cola hoặc 1 số thức uống khác để lai dai cùng nồi lẩu lòng bò nhé.

4. Những lưu ý CẦN NHỚ khi thực hiện lẩu lòng bò

Lẩu lòng bò hấp dẫn, đậm đà hương vị với công thức đơn giản mà chị em nào cũng có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, để hoàn thành các công đoạn chế biến chuẩn vị, cần lưu ý một vài điều dưới đây:

– Để cẩn thận hơn trong công đoạn sơ chế lòng bò, chị em có thể thêm hỗn hợp 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng canh giấm cùng nước sả để khử mùi hôi và chất nhờn của lòng bò.

– Sả không chỉ có công dụng khử mùi hôi mà còn làm sạch các vết màng mỡ bám bên ngoài lòng.

– Khi rửa lòng, bóp quá nhiều muối, tuốt kỹ quá sẽ khiến lòng dai và không ngon.

– Nước hầm xương ống bò là đặc trưng quan trọng của lẩu lòng bò, ninh trong khoảng 8 tiếng sẽ đảm bảo độ thơm và ngọt của nước dùng. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể ninh trong thời gian ngắn 1 – 2 tiếng để có vị ngọt tự nhiên nhất.

Với công thức của các đầu bếp 5 sao trên sẽ giúp các chị em nấu thành công món lẩu lòng bò để chiêu đãi thành viên trong gia đình và bạn bè nhé.

 

- Advertisement -spot_img

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img

Bài Viết Mới Nhất

- Advertisement -spot_img

More Recipes Like This

- Advertisement -spot_img