Làm lẩu gà ớt hiểm ngon khó cưỡng chỉ với 3 bước đơn giản

Món Ăn Phổ Biến Hàng Ngày

Lẩu gà ớt hiểm là món ăn dân dã chiếm được sự yêu thích của nhiều người bởi vị cay nồng từ ớt, hương thơm nức mũi từ gà, tạo nên một hương vị đặc trưng riêng mà không món ăn nào có được. Hãy cùng theo chân vị đầu bếp chuyên về các món lẩu để học cách làm lẩu gà ớt hiểm chỉ với 3 bước đơn giản.

1. Nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà ớt hiểm

Những nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà ớt hiểm cho khẩu phần ăn của 4 người:

– Gà ta: 1.2 – 1.5kg

– Ớt hiểm: 100g

– Nấm đông cô (nấm hương): 200g

– Kỷ tử: 25g

– Củ cải trắng: 200g

– Hành tây: 150g

– Nước dừa tươi: 500ml

– Bún tươi/mì

– Các loại rau ăn kèm: xà lách, mồng tơi, cải bẹ, cải thảo, nấm tuyết, tần ô…

– Các loại gia vị cần thiết: dầu ăn, hạt nêm, muối, nước tương, hành tím, tỏi, tiêu…

Một số lưu ý khi chọn nguyên liệu để nấu lẩu gà ớt hiểm:

– Đối với gà ta

Để chọn được gà ta ngon cần lưu ý các điểm sau: da có màu vàng nhạt, mỏng, có độ đàn hồi cao, thân hình nhỏ gọn, săn chắc, ức hẹp. Không chọn gà da bị sạm đen, trên mình có các vết bầm tím hoặc gà có mùi hôi.

Muốn biết được độ săn chắc của gà, các chị em nội trợ hãy lấy tay ấn vào mình gà. Nếu gà nhão, trơn, lõm sâu, độ đàn hồi ít chứng tỏ gà đó đã bị tiêm thuốc hoặc nhiễm hàn the, ăn vào sẽ ảnh hưởng sức khoẻ.

Không có gà ta, các bà nội trợ hãy sử dụng gà công nghiệp để thay thế. Tuy nhiên, thịt gà ta vẫn dai và chắc thịt hơn.

– Đối với ớt hiểm

Chọn những quả ớt hiểm còn non, xanh, màu sắc tươi sáng. Lượng ớt hiểm sẽ quyết định độ cay của món lẩu nên các chị em cần lưu ý để cân bằng lượng ớt phù hợp với khẩu vị của cả nhà.

Những nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà ớt hiểm tại nhà
Những nguyên liệu cần thiết để nấu lẩu gà ớt hiểm tại nhà

2. Hướng dẫn chi tiết cách nấu lẩu gà ớt hiểm chuẩn vị

2.1. Sơ chế nguyên liệu

– Hướng dẫn sơ chế gà ta

Gà đã làm sạch lông cần đem rửa qua với sạch rồi chặt thành từng miếng vừa ăn. Sau đó, ướp gà với các gia vị sau: 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng tiêu, 1/2 muỗng bột ngọt, 2 muỗng nước tương, 1 củ hành tím băm nhỏ và 5 trái ớt giã nhuyễn. Cần ướp gà trong khoảng 45 – 60 phút để tất cả gia vị được ngấm đều.

– Hướng dẫn sơ chế các nguyên liệu còn lại

Ớt hiểm khi đã rửa sạch thì để cho ráo nước, hạn chế làm đứt cuống ớt. Như thế sẽ giúp ớt bớt cay hơn.

Nấm đông cô cần ngâm với nước nóng khoảng 30 phút để mềm ra, sau đó cắt bỏ phần chân và rửa lại với nước sạch.

Với củ cải, các chị em nội trợ cần gọt vỏ, rửa với nước sạch rồi cắt thành từng khúc dài khoảng 2 đốt ngón tay.

Hành tây cần phải lột bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt như hình các múi cau.

Với kỳ tử chỉ cần rửa với nước sạch là được.

Các loại rau khác: loại bỏ phần gốc, rễ và rau bị già, héo úa ra. Kế đến đem rửa với nước muối loãng rồi rửa lại với nước sạch để ráo.

2.2. Tiến hành nấu lẩu

Bước 1: Chiên gà, hành tây và sả

Bắc chảo lên bếp, đợi đến khi chảo nóng thì cho vào lượng dầu ăn vừa đủ. Khi dầu ăn nóng thì cho hành tây vào chiên trước. Chiên sơ cho hành tây vàng thì vớt ra.

Chiên hành tây xong thì tiến hành chiên sả, cho sả vào và đợi đến khi sả vàng thì vớt ra.

Tiếp đến, cho gà đã sơ chế vào để chiên. Tuỳ vào độ lớn của chảo mà chiên gà thành nhiều lượt khác nhau. Cần chiên gà đến khi thịt săn lại, bề mặt miếng thịt vàng đều. Chiên xong thì vớt ra đĩa riêng.

Bước 2: Nấu nước lẩu

Bắc nồi nấu lẩu lên bếp, cho vào 500ml nước dừa và khoảng 1 lít nước lọc. Đồng thời cho vào nồi phần thịt gà, sả, hành tây đã chiên xong. Khi nước sôi, các mẹ nên cho lửa nhỏ và tiếp tục nấu thêm 5 – 7 phút.

Kế đó, cho các loại nguyên liệu khác đã sơ chế vào (nấm, củ cải, kỳ tử) nấu cho đến khi sôi.

Bước 3: Thêm gia vị cho nước lẩu

Lượng gia vị cần cho vào nước lẩu như sau: 1 muỗng bột canh, 1 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt, 2 muỗng nước tương. Gia vị như trên chỉ mang tính chất tương đối. Các bà nội trợ cần dựa vào khẩu vị của gia đình mình để điều chỉnh lượng gia vị cho phù hợp.

Khi gia vị đã được nêm nếm xong, các mẹ chỉ cần xem lại các loại nguyên liệu đã được chín đều chưa. Nếu mọi thứ đã hoàn hảo thì chỉ cần tắt bếp và chuẩn bị thưởng thức thôi nào.

2.3. Trang trí cho nồi lẩu

Nồi lẩu khi đã nấu xong, chị em nội trợ nên tỉa hoa từ ớt chín đặt vào giữa nồi, xung quanh là nấm, củ cải, xen lẫn là các hạt kỳ tử. Như thế sẽ làm cho nồi lẩu được đẹp mắt hơn.

Các nguyên liệu khác ăn kèm với lẩu thì đặt thành vòng tròn quanh nồi lẩu, cả nhà sẽ quây quần bên cạnh.

Hướng dẫn trang trí lẩu gà ớt hiểm cho đẹp mắt
Hướng dẫn trang trí lẩu gà ớt hiểm cho đẹp mắt

3. Những lưu ý cần nhớ khi nấu lẩu gà ớt hiểm

– Độ cay của nồi lẩu

Mỗi gia đình sẽ ăn cay khác nhau, vậy nên người nấu cần tự điều chỉnh lượng ớt cho phù hợp. Nếu muốn ăn cay nhiều hãy cắt ớt ra còn nếu muốn ăn cay ít thì nên để cả quả ớt.

– Lượng nước lẩu

Không nên cho nước vào quá đầy nồi vì còn cần cho gà và các loại nguyên liệu khác. Nếu nước đầy quá thì khi cho vào sẽ làm nước bị tràn ra ngoài.

– Khi nấu

Trong quá trình nấu nước lẩu, thông thường sẽ có bọt khí nổi lên trên bề mặt nước. Vì thế, người nấu cần để ý và vớt bọt thường xuyên để nước lẩu được trong hơn.

Không nên nấu với lửa to quá, sẽ làm mất vị ngọt của gà. Nên để lửa ở mức vừa phải để gà được chín từ từ, chín đều, khi ăn sẽ ngon ngọt hơn.

Người nấu cần điều chỉnh lượng nước lẩu cho phù hợp
Người nấu cần điều chỉnh lượng nước lẩu cho phù hợp

Thế là đầu bếp chuyên về các món lẩu đã hướng dẫn xong cho các chị em nội trợ cách nấu lẩu gà ớt hiểm ngon chuẩn vị, chắc chắn mọi người sẽ nấu thành công món lẩu này với công thức trên.

- Advertisement -spot_img

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img

Bài Viết Mới Nhất

- Advertisement -spot_img

More Recipes Like This

- Advertisement -spot_img