Bún măng vịt với thịt vịt mềm ngọt, nước dùng sánh vị, sợi bún dai dai, chắc chắn sẽ là món ngon không thể cưỡng lại cho gia đình vào dịp cuối tuần. Thế nên, những người nội trợ hãy xem ngay cách nấu bún măng chuẩn vị dưới đây để làm cho cả nhà thưởng thức nhé!
Mục lục bài viết
1. Những nguyên liệu cần có để nấu bún măng vịt
Nguyên liệu để nấu bún măng vịt cho 4 – 5 người ăn:
– Vịt: 1 con (khoảng 1 – 1.5kg)
– Măng tươi: 1/2kg
– Tiết vịt: 150g
– Bún tươi: 1kg
– Các nguyên liệu/gia vị phụ khác: rượu trắng, gừng, hành tím, tỏi, hành lá, dầu ăn, bột ngọt, muối, hạt nêm, tiêu…
– Các loại rau ăn cùng bún: bắp chuối, rau muống, xà lách, giá đỗ, rau thơm…
Một số lưu ý khi chọn vịt và măng để nấu bún măng vịt:
– Đối với vịt
Vịt để nấu bún phải là vịt mình chắc, dày thịt, không được béo quá cũng không được gầy quá. Để kiểm tra độ béo/gầy của vịt người mua cần sờ và bóp nhẹ tay vào phần hông của vịt, nếu thấy thịt mềm, dày tay thì đó là vịt ngon còn nếu thấy xương nhiều thịt mỏng thì vịt đó đang bị gầy.
Để tiết kiệm thời gian chuẩn bị nguyên liệu, chị em có thể sử dụng vịt đã được làm sạch sẵn. Tuy nhiên, vịt làm sẵn thường không ngon như vịt tự làm nên nếu có thời gian hãy tự làm vịt ở nhà để được thưởng thức thịt vịt chuẩn vị nhất.
– Đối với măng
Nên chọn măng có vỏ mỏng, độ giòn cao, nhiều nước, khi ngửi thì cảm nhận đươc mùi vị đặc trưng từ măng. Tránh những phần măng có mùi hôi bất thường. Măng tươi thường có màu vàng nâu, khi sờ tay vào có độ khô cứng, không bị dính tay.
Nếu thấy măng có màu trắng hoặc vàng bất thường thì không nên mua. Vì măng đó thường đã bị ngâm qua hóa chất hoặc để lâu ngày làm xuất hiện màu sắc bất thường.

2. Hướng dẫn chi tiết cách nấu bún măng vịt chuẩn vị
2.1. Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế vịt:
Vịt mua về cần làm sạch lông và ruột rồi rửa lại với nước sạch. Sử dụng muối thoa lên bên ngoài và bên trong mình vịt để vịt được sạch hơn. Tiếp đến, dùng gừng đập dập và rượu trắng chà xát lên mình vịt để loại bỏ mùi hôi của vịt. Cuối cùng rửa lại vịt với nước sạch rồi để cho ráo nước.
Khi vịt đã ráo nước, chị em nội trợ cần chặt vịt thành từng miếng vừa ăn để mang đi ướp. Nên ướp vịt với các gia vị sau: một ít gừng cắt nhỏ, 2 nhánh tỏi băm nhuyễn, hành tím băm nhuyễn, 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng tiêu.
Để thịt vịt được ngấm đều gia vị cần ướp trong 20 – 30 phút. Trong quá trình ướp thỉnh thoảng đảo đều thịt vịt để đảm bảo các miếng thịt vịt được đẫm trong gia vị.
Sơ chế măng:
Rửa sạch măng trước khi cho vào luộc với khoảng 1 lít nước và 1 ít muối. Khi nước sôi hãy cho lửa nhỏ và nấu thêm 30 phút để măng không bị đắng. Tiếp đến vớt măng ra, rửa lại một lần nữa với nước mát và cắt thành từng miếng vừa ăn.
Nên cắt dọc theo từng củ măng, không cắt quá dày. Măng dày sẽ khó ngấm gia vị và lâu chín.
Sơ chế những nguyên liệu còn lại (tiết vịt, bún, rau):
Tiết vịt: nấu một nồi nước sôi rồi cho tiết vịt vào luộc. Đến khi thấy tiết đông lại và chín thì vớt tiết ra.
Bún tươi: trụng bún qua nước sôi để tăng độ dai cho bún và loại bỏ bớt mùi chua tự nhiên từ bún.
Các loại rau: nhặt rau rồi rửa với nước sạch. Sau đó ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra rửa lại với nước sạch lần nữa.
2.2. Tiến hành nấu bún măng vịt
Bước 1: Xào măng để nấu bún măng vịt
Cho dầu ăn vào chảo để làm nóng trên bếp. Rồi thêm vào 1 củ hành tím đã băm nhỏ. Phi hành tím cho đến khi hành dậy mùi thơm thì cho phần măng đã sơ chế vào xào. Người nấu cần để ý khi thấy măng bắt đầu mềm thì chủ động thêm gia vị cho măng, thêm khoảng 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, ½ muỗng muối.
Đảo đều và xào thêm khoảng 3 – 5 phút để măng được ngấm gia vị. Vì xào măng thường tốn nhiều dầu ăn hơn các loại nguyên liệu khác nên người nấu cần chủ động cho thêm dầu ăn trong quá trình xào măng.
Bước 2: Xào vịt
Vịt cần được xào với khoảng 2 muỗng dầu ăn. Không cần xào vịt quá chín, chỉ cần xào cho đến khi thịt vịt săn lại là được. Việc xào vịt làm cho vịt tươm mỡ lại, ngấm gia vị hơn và màu cũng đẹp hơn.
Bước 3: Nấu nước dùng cho bún măng vịt
Lúc thịt vịt săn lại khi xào, chị em nội trợ cần đổ vào 2 lít nước để hầm vịt. Khi nước sôi hãy cho nhỏ lửa và hầm trong 30 phút để vịt được chín mềm, nước dùng ngọt vị hơn.
Khi vịt chín thì cho măng và tiết vịt đã chuẩn bị vào. Nấu cho đến khi nước sôi lại lần nữa thì nêm nếm lại gia vị cho nồi nước dùng. Người nấu cần chủ động điều chỉnh lượng gia vị để phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.
2.3. Trang trí cho bát bún
Lấy bún rồi chan nước dùng vào bát bún. Xếp tiết và măng trên bề mặt bún để tạo sự hấp dẫn cho bát bún. Chị em cũng nên tỉa hành lá thành hình hoa để trang trí thêm cho bát bún.
Bên cạnh bát bún cần bày chanh, ớt và một chén nước chấm để người ăn được thêm gia vị cho vừa với khẩu vị.

3. Những lưu ý cần nhớ khi nấu bún măng vịt
Nguyên liệu nấu bún măng
Lượng nguyên liệu theo công thức trên là nguyên liệu cho khẩu phần ăn trung bình của 4 – 5 người lớn. Người nấu cần căn cứ vào mức ăn cụ thể của các thành viên trong gia đình để điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp.
Khi luộc vịt
Lượng nước luộc vịt cần được đảm bảo ngập vịt để thịt vịt không bị đen. Trong quá trình luộc nếu xuất hiện các vết bọt trắng nổi lên hãy vớt bọt này ra để nước dùng được trong và đẹp mắt.
Khi ăn
Bún măng vịt thường ăn kèm với gừng, sả, và ăn có độ cay ngon hơn. Nên đây sẽ là món ăn phù hợp với những người có sở thích ăn cay. Khi ăn cũng nên thêm vào một chút nước cốt chanh để tạo vị chua chua cho nước dùng.
Yeubepnha đã chia sẻ với những người nội trợ cách nấu bún măng chuẩn vị chỉ với 3 bước mà ai cũng làm được. Vậy nên chị em hãy vào bếp trổ tài nấu ăn của mình với món bún măng vịt để làm cả nhà cùng trầm trồ thôi nào.